NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Kinh nghiệm trekking Pusilung - Chinh phục nóc nhà nơi biên giới

Cập nhật: 10/06/2021
Pusilung là cái tên không quá xa lạ đối với dân “mê” leo núi miền Bắc. Một đỉnh núi cao thứ 2 của Việt Nam nổi tiếng về độ khó cùng với những nguy hiểm rình rập trong hành trình. Trekking Pusilung là một cung leo núi đầy hoang sơ và vô vàn những trải nghiệm.

Nếu bạn đang có ý định chinh phục đỉnh núi thuộc top một về độ khó này, thì đừng bỏ qua bài viết ở dưới đây. Chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn đầy đủ những thông tin chi tiết nhất về ngọn núi Pusilung mà chúng tôi đã chinh phục thành công.

1. Vài nét về ngọn núi Pusilung

Các ngọn núi cao, khó nhằn hầu như đều tập hợp hết ở bên khu vực Lai Châu như Putaleng, Khang Su Văn, Pờ Ma Lung và đặc biệt là Pusilung. Những đỉnh núi này hầu như đều khó khăn về quãng đường leo, chưa kể một số đỉnh còn nằm giáp khu vực biên giới Việt Nam – Trung Quốc phức tạp. 

Pusilung (3083m) là ngọn núi cao thứ 2 ở Việt Nam chỉ sau Fansipan (3143m), sừng sững như bức trường thành bảo vệ biên giới. Ngọn núi này nằm ở xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. 

Đồn biên phòng Pa Vệ Sử

Đồn biên phòng Pa Vệ Sử.

Trước kia, để hoàn thành chinh phục đỉnh núi này, bạn sẽ phải leo khoảng 50km hai chiều từ chân núi, nếu cộng thêm đoạn đường từ đồn biên phòng vào chân núi là 16km (2 chiều).

Nhưng hiện nay quãng đường đã được rút ngắn đi đáng kể chỉ hơn 31km do đang làm đập thủy điện. Xe máy và ô tô 16 chỗ đều có thể đến tận chân núi. Đọc đến đây nếu ái có ý định trekking đỉnh Pusilung thì mình khuyên đi càng sớm càng tốt. Vì khi đập thủy điện làm xong các bạn sẽ phải xuất phát từ đồn biên phòng với quãng đường 60km (cả 2 chiều).

Kinh nghiệm leo Pusilung Lai Châu

Một góc view rộng ở Pusilung

2. Hướng dẫn xin giấy phép trekking Pusilung

Để đi được cung này, các bạn bắt buộc phải có sự đồng ý của đồn biên phòng. Mình sẽ nêu rõ quy trình xin giấy phép một cách đơn giản nhất.

Cách 1: Trực tiếp lên tỉnh xin giấy

– Các bạn sẽ trực tiếp lên đồn biên phòng tỉnh Lai Châu (tp.Lai Châu) để xin giấy giới thiệu. Sau đó mang giấy giới thiệu đó về đồn biên phòng ở xã Pa Vệ Sử để các anh biên phòng xác nhận. Mọi thứ ổn thỏa thì các bạn bắt đầu hành trình leo. Nhưng cách này bạn sẽ mất thời gian lên biên phòng tỉnh rồi vòng lại Mường Tè.

Cách 2: Nhờ porter xin cho

– Đầu tiên, leader sẽ tập hợp CMT/Hộ chiếu của các thành viên trong nhóm gửi lên cho porter. Sau đó sẽ nhờ porter đi xin giấy giới thiệu cho cả đoàn. Đây là cách nhanh chóng, tiện lợi và nhóm mình cũng làm theo cách này. 

Kinh nghiệm leo Pusilung

Giấy giới thiệu có chữ ký và dấu đỏ của tỉnh. Nhóm mình gửi CMT lên cho porter và nhờ porter đi xin dấu hộ

Ở Mường Tè không có porter nên hầu như mọi người sẽ phải nhờ porter bên Phong Thổ sang dẫn trekking đỉnh Pusilung. Đoàn mình có nhờ 3 porter là: Khệ Tan, A Minh và A Giàng.

3. Phương tiện di chuyển trekking Pusilung

Hà Nội cách Mường Tè khoảng 450km. Chỉ có một nhà xe duy nhất chuyên tuyến này đó là nhà xe Ngân Hà khởi hành từ bến xe Mỹ Đình lúc 19h tối. Đến sáng sớm các bạn sẽ có mặt tại bến xe Mường Tè, sau đó thuê xe máy chạy hơn 40km vào Pa Vệ Sử.

Bến xe khách Mường Tè

Bến xe khách Mường Tè.

Các cửa hàng cho thuê xe máy nằm ngay gần bến xe với giá thuê 200k/ngày. 

SĐT các bạn có thể liên hệ: 0825772555 - 085999366 - 0979319985.

4. Bắt đầu hành trình trekking Pusilung

Ngày 1: Mường Tè - Pa Vệ Sử - Hang Đá

Sau khi nằm xe khách 12 tiếng từ Hà Nội đến Mường Tè. Nhóm chúng mình xuống xe rồi vào một quán ngay bến xe ăn sáng, gặp 3 porter người Dao đã hẹn trước, nhận xe máy rồi khởi hành vào Pa Vệ Sử. 

Đồng biên phòng Pa Vệ Sử

Chụp ảnh kỷ niệm tại đồn biên phòng xã Pa Vệ Sử.

Mường Tè cách Pa Vệ Sử hơn 40km, chạy xe mất 1h30. Đường chạy vào trong Pa Vây Sử rất bụi do đang làm đường. Mọi người nên mặc áo mưa hoặc che kín người kẻo chưa leo đã bẩn hết quần áo. Đến đồn biên phòng thì nhóm bạn sẽ vào bên trong để làm thủ tục leo. Gọi là thủ tục nhưng cũng không quá lâu, chỉ vào nộp tờ giấy giới thiệu đã xin trên tỉnh là được leo rồi. Sau đó lại chạy xe vào đập thủy điện, gửi xe và bắt đầu hành trình.

Ngay từ khi xuất phát đã có hai lựa chọn: lội suối hoặc leo cầu sắt trên độ cao 2m. Tùy vào độ mạnh bạo của mỗi người mà có thể đi trên câu cầu sắt cheo leo, đầy thách thức. Vượt qua cây cầu sắt là đã chạm tới bìa rừng. Mục tiêu đầu tiên của các đoàn là trời tối sẽ tiếp cận được Hang Đá. 

Kinh nghiệm leo Pusilung

Cây cầu sắt huyền thoại ở Pusilung

Cả nhóm vượt qua rất nhiều những con suối lớn nhỏ, mà trong lòng ai cũng thầm nghĩ nếu đi vào trời mưa bão chắc không thể nào qua được. 

Suối ở Pusilung

Kinh nghiệm leo Pusilung

Những con suối ở Pusilung.

Kinh nghiệm leo Pusilung

Vượt qua những con suối to nhỏ khác nhau

Đi đến tầm trưa chúng mình nghỉ ngơi, lôi đồ ăn trưa đã được chuẩn bị ra ăn lấy sức. Bữa trưa đơn giản chỉ có xôi và giò. 

Ngày đầu tiên chúng mình sẽ đi qua lán Ông Bà Già người La Hủ. Ông bà không nói được tiếng Kinh nhưng rất tốt bụng. Lán này cũng là cột mốc quan trọng trong hành trình. Rất nhiều đoàn leo núi trước kia đã được ông bà giúp đỡ. 

Kinh nghiệm leo Pusilung

Ông già người La Hủ

Trekking Pusilung

Trước lán của Ông Bà

Tiếp tục những con dốc dài lên xuống đầy cỏ lau cao hơn người, cây cối mọc um tùm che kín lối đi. Một tay phải che mặt, một tay phải dạt những ngọn cỏ lau sang 2 bên mới có thể đi. Mọi người nên mang đội mũ rộng vành hoặc lấy khăn che mặt cho đỡ bị rặm.

Leo Pusilung

Cỏ lau phủ kín khắp lối

Pusilung bạt ngàn cỏ lau

Pusilung bạt ngàn cỏ lau

17h nhóm chúng mình đến điểm cắm trại hang đá. Vì đỉnh này không có lán nên sẽ phải chuẩn bị lều mang theo. Ngay cạnh điểm cắm trại có một con suối nhỏ, có thể lấy nước để nấu ăn.

Kinh nghiệm leo Pusilung

Hang Đá – nơi dựng lều nghỉ ngơi của đêm đầu và đêm thứ 2

Buổi tối đầu tiên chúng mình ăn lẩu gà. Mọi thứ cần thiết cho nồi lẩu đã được chúng mình chuẩn bị sẵn từ Hà Nội, đến nơi chỉ việc bỏ ra và nấu lên. Mọi người bảo Pusilung khá khó nhưng hôm đầu tiên theo mình cảm nhận là nó cũng bình thường như bao đỉnh khác. Ăn xong chúng mình ngồi chơi, nói chuyện đến 10 giờ tối thì vào lều ngủ.

Kinh nghiệm leo Pusilung

Bữa ăn tối cùng cả team

Ngày 2: Hang đá – đi đường mới – đỉnh Pusilung – đi đường cũ (mốc 42)- Hang Đá

Nay sẽ là một hành trình dài với quãng đường dài và cũng nguy hiểm vì phải đi sang đất Trung Quốc.

Ăn sáng xong khoảng 7h nhóm chúng mình xuất phát lên đỉnh. Lần này đi theo đường mới nên quãng đường từ hang đá lên đỉnh được rút ngắn hơn những dốc hơn đường cũ rất nhiều. 

Kinh nghiệm leo Pusilung

Lịch trình leo Pusilung

Đi theo đường mới này cảnh quan đẹp hơn đường cũ rất nhiều. Tầm nhìn rộng, đường đi thoáng hơn và nhiều điểm nhấn để chụp ảnh như những mỏm đá, gốc cây.

Leo Pusilung theo đường mới

200m đầu tiên thì khá là dốc, nhiều cỏ lau nhưng không quá cao. Lên được đến ngọn đồi đầu tiên thì rất đi, 2km tiếp theo thì dốc thoải, bắt đầu có tầm nhìn rộng hơn. Lên độ cao khoảng 2600m thì có 1 đoạn (10m) lên đỉnh đá khá khó, nhưng đến nơi thì view bao đẹp và tiếp theo là băng qua 1 rừng tre khá rậm. 

Đoạn 2700m thì đến đoạn rừng già, cây gỗ lớn, lá phong nhiều, đường rộng và mát, Lên đến 2850m thì nhập vào đường cũ để lên đỉnh. Có một đoạn các bạn phải đi sang bên đất Trung Quốc bên Việt Nam không có lối đi.Cảm giác vừa hồi hộp, lo lắng nhưng cũng rất phấn khích khi đi vào vùng biên giới. Đó cũng là lý do tại sao các bạn phải xin giấy phép trước khi leo. Vì nếu các bạn có gặp vấn đề gì hay gặp biên phòng Trung Quốc đi tuần thì không không bị bắt. 

Kinh nghiệm trekking Pusilung – Chinh phục nóc nhà nơi biên giới

Khu rừng ma mị ở Pusilung. Đoạn này sắp lên đến đỉnh

Lịch trình leo Pusilung

Đoạn này đang đi bên đất Trung Quốc

Kinh nghiệm trekking Pusilung – Chinh phục nóc nhà nơi biên giới

Hành trình leo Pusilung

12h trưa chúng mình có mặt trên đỉnh Pusilung, chạm tay vào chóp và chụp ảnh lưu niệm. Cả nhóm ngồi lại ăn trưa, nghỉ ngơi rồi quay lại hang đá. Từ đỉnh xuống sẽ đi đường cũ qua cột mốc biên giới 42. Đường cũ vừa dài, vừa khó, dốc lên, dốc xuống như thách thức các nhà leo núi. Khoảng 17h chúng mình đã quay lại hang đá, cơm nước đã được porter chuẩn bị sẵn sàng. Một ngày dài và rất thành công khi chinh phục được đỉnh Pusilung, chạm tay vào cột mốc 42.

Trên đỉnh Pusilung

Trên đỉnh Pusilung

Cột mốc số 42

Cột mốc số 42

Ngày 3: Hang Đá - Pa Vệ Sử - Mường Tè - Hà Nội

Đây là ngày nhẹ nhàng hơn, đồ đạc cũng không còn nhiều. Chúng mình thong dong xuống núi. Vẫn là những con dốc, cỏ lau che kín lối đi. Chúng mình nghỉ ngơi và ăn trưa tại một con suối gần bìa rừng. 13h chúng mình đã có mặt tại đập thủy điện, lấy xe, máy rồi di chuyển về Mường Tè. 

CHI PHÍ LEO PUSILUNG

Nhóm mình đi 6 người thuê 3 porter, leo 3 ngày 2 đêm (chi phí dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo):

Thuê porter: 600k/ngày/porter

Hỗ trợ đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ cho porter ở Mường Tè: 450k/người

Vé xe khách Hà Nội - Mường Tè: 400k/người/chiều

Thuê xe máy: 200k/ngày/xe

Đồ ăn 3 ngày: khoảng hơn 3000k (tùy thuộc vào các nhóm muốn ăn gì mà số tiền có thể chênh lệch)

Chi phí khác: 600k

3 ngày trekking Pusilung là quãng thời gian không quá dài nhưng đủ để cảm nhận được vẻ đẹp miền trời cao nơi biên giới. Chúng mình không hẹn trước và không chắc rằng sẽ không leo lại Pusilung, nếu có cơ hội thì mọi người nên thử trải nghiệm một lần. Một ngọn núi luôn thử thách ý chí và quyết tâm của người muốn chinh phục.

Theo Hằng Bắp/wecheckin.vn

Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0.06/5 từ 78 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm