NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Trò chơi dân gian - Nét hấp dẫn của các lễ hội truyền thống

Cập nhật: 29/04/2013
Đến Lai Châu vào mùa xuân – mùa của lễ hội, du khách sẽ được hòa mình vào những dòng người nô nức đi trẩy hội. Khi những đóa hoa thi nhau khoe sắc trên những cung đèo, tràn ngập khắp bản làng lưng trừng núi, các bản người Mông, người Thái, người Dao… lại thi nhau mở hội. Phần không thể thiếu trong Lễ hội của đồng bào các dân tộc Lai Châu chính là những trò chơi dân gian truyền thống.

Các trò chơi trong lễ hội, ngoài việc thể hiện sâu sắc những nét đặc trưng trong văn hóa tín ngưỡng tâm linh của mỗi dân tộc, nó còn giúp rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai trong đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của bà con. Các trò chơi phổ biến gắn liền với các lễ hội như: Ném còn, tù lu, đẩy gậy, kéo co, leo cột, đua ngựa, bắn cung đá, tó má lẹ… đã được chọn  để các bản làng trong vùng tranh tài trong rất nhiều các lễ hội thường niên như: lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Nàng Han của dân tộc Thái, lễ hội Gầu Tào, ném Pao của dân tộc Mông. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở các trò chơi mang tính chất thông thường, một số môn đã được đưa vào thi đấu tròn các giải thể thao, hội khỏe. 
“ Đẩy gậy” là một trò chơi dân gian quen thuộc với dân tộc Mông, đây là dịp để cho các chàng trai, cô gái tại các bản so tài với nhau.. Khi chơi, hai người bước vào sân. Mỗi người giữ một đầu gậy, tỳ tay vào đùi hoặc bụng, hai chân choãi ra lưng khom xuống. Đồng thời hai chân nhích lên để dồn ép đối thủ ra khỏi sân. Đây là trò chơi đòi hỏi sức khỏe tốt, bền bỉ và biết chớp thời cơ thật nhanh. 
“Ném còn” là một trong những trò chơi độc đáo được nhiều dân tộc như Thái, Lào… chọn làm trò chơi tại các lễ hội. Đây là trò chơi không đòi hỏi nhiều về sức mạnh mà cần sự khéo léo hơn, trò chơi không phân biệt đối tượng tham gia, không phân biệt lứa tuổi nên thu hút rất đông đảo bà con tham gia. Ném còn mang tính giải trí khá cao nhưng bên cạnh đó hoạt động này còn mang một ý nghĩa thâm thúy đó là ý nguyện về một vụ mùa mới thuận lợi, mọi người được bình an trong cuộc sống. Mỗi vật dụng trong trò chơi đều mang ý nghĩa riêng, vòng tròn trên cây nêu tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, ngày và đêm, âm và dương thể hiện sức mạnh của trời đất. Bên trong quả còn là những nguyên liệu như: cát, thóc, ngô, nước tượng trưng cho vật chất, quả còn được ném qua vòng tròn mang theo mong ước của bà con về một vụ mùa bội thu, đời sống được no ấm, con cái sinh sôi. Có lẽ vì thế mà ném còn là trò chơi bền vững nhất và không thể thiếu trong các lễ hội.
“Ném Pao” – Một trong những trò chơi nhẹ nhàng nhất của dân tộc Mông. Các chàng trai cô gái tập chung lại thành từng dãy và ném quả Pao qua lại cho người mà mình thấy thích. Trò chơi này không đòi hỏi về sức khỏe, các đôi trai gái có thể đứng hàng giờ để ném cho nhau. Cũng từ đấy nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng. Ném Pao ngoài hình thức một trò chơi nó còn là nơi thể hiện tình cảm và tình yêu đôi lứa của các chàng trai cô gái người Mông.
“Tù lu” – một trong những trò chơi truyền thống của dân tộc Mông, nó là chiếc cù gỗ được đẽo nhọn một đầu.  Đây là trò chơi đòi hỏi người chơi cần có sức khỏe, khéo léo và khả năng ước lệ cao. Vì vậy, đối tượng chủ yếu tham gia vào trò này đó là các chàng trai khỏe mạnh và có đôi tay thật sự khéo léo. Cách chơi Tù Lu cũng khá đơn giản, khi chơi có thể chia thành các đội. Mỗi đội bao gồm hai bạn chơi, một người đánh chính và một người đánh phụ. Khi người đánh phụ đánh cù vào vòng tròn, người đánh chính làm sao đánh trúng con Tù Lu của người kia càng bay xa càng tốt, quay càng tít thì tính điểm càng cao. Trò chơi này không chỉ được chơi trong những dịp lễ hội mà nó còn là trò chơi thường ngày được thanh thiếu niên ưa thích.
“Giã bánh giầy” – Trò chơi có sự kết hợp tham gia của cả nam lẫn nữ. Để nhớ ơn và tỏ lòng thành kính trời đất đã ban tặng cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi và mùa màng bội thu. Người Mông thường tổ chức trò chơi này vào những ngày lễ hội như: Ngày hội dân tộc Mông, hội Gầu Tào Cha. Đây cũng là cơ hội để các chàng trai, cô gái trong các bản thể hiện sức khỏe, sự khéo léo và nhịp nhàng ăn ý của mình. Đội nào giã xong trước, bánh nhuyễn và thật mịn, nặn bánh thành hình tròn một cách khéo léo thì đội đó thắng cuộc.
“Tó Má Lẹ” là trò chơi rất phổ biến nhất của dân tộc Thái. Cách chơi Tó má lẹ cũng rất đơn giản, vật dụng để sử dụng trong trò chơi chính là quả má lẹ. Đối tượng tham gia chủ yếu lá nữ giới, một trong những cách chơi trò này đó là dùng tay ném, đặt lên đùi hay quắp vào chân…làm sao cho quả tó mó lẹ chạm đổ quả ở vạch đích là ghi điểm. Đội nào càng ghi được nhiều điểm với các tư thế ném bóng khó sẽ thắng cuộc.
Mùa xuân vùng cao dường như được kéo dài hơn với các lễ hội nối tiếp nhau, như muốn níu giữ những bước chân của du khách khi đặt chân đến nơi này. Các trò chơi vẫn sôi nổi tạo nên niềm hứng khởi cho những ai đang hòa mình vào ngày hội dù là người dân bàn địa hay du khách. Nếu bạn yêu thích các lễ hội truyền thống, yêu thích các trò chơi dân gian độc đáo của các dân tộc thì Lai Châu nói riêng hay Tây Bắc nói chung là một hành trình du xuân tuyệt vời./.
Hoàng Duyên
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm