Sin Suối Hồ - Điểm sáng du lịch cộng đồng vùng cao

Cập nhật: 20/11/2020
Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do chính cộng đồng dân cư sở tại đứng ra phát triển và quản lý dựa trên việc khai thác cảnh quan tự nhiên và các giá trị văn hóa truyền thống. Việt Nam là đất nước có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, 54 dân tộc tạo nên 54 sắc thái văn hóa độc đáo, diện mạo phong phú, … rất giàu tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng, xem đây là giải pháp hữu hiệu để bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Sin Suối Hồ - một bản Mông trên núi cao của huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được xem như một điểm sáng trong phát triển du lịch cộng đồng.

Cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km, bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) nằm yên bình dưới chân núi Sơn Bạc Mây. Nơi đây có 135 hộ gia đình người Mông sinh sống. Nguồn ảnh: moitruongdulich.

Bản Sin Suối Hồ thuộc xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Sin Suối Hồ nằm ở độ cao 1500m so với mực nước biển, cách thành phố Lai Châu khoảng 30 km, khí hậu mát mẻ quanh năm. Bản hiện có 135 hộ với 600 nhân khẩu, 100% là người Mông. Đến Sin Suối Hồ hôm nay, khó có thể hình dung khoảng 10 năm trở về trước, nơi đây vẫn là một bản nghèo, người dân canh tác lúa một vụ, nhiều người đắm chìm trong khói thuốc phiện. Bằng nỗ lực của mỗi cá nhân và cả cộng đồng, bản Sin Suối Hồ đã xóa bỏ được nhiều hủ tục, vươn lên, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế.

Về cảnh quan, người dân Sin Suối Hồ đã nêu cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái. Từ người già đến em thơ trong bản đã tạo dựng được thói quen mới hết sức văn minh, đó là không xả rác nơi công cộng, hạn chế sử dụng túi ni-lông. Đường đi lối lại trong bản được người dân chung sức xây dựng, cải tạo, giữ gìn. Bản làng luôn sạch sẽ, các sọt rác làm bằng chất liệu tự nhiên được đặt dọc đường đi. Sáng sớm, trưởng bản đến từng gia đình gọi mọi người cùng thức dậy vệ sinh nhà cửa, làng bản. Thứ bảy hàng tuần, trẻ em trong bản cùng nhau đi nhặt rác. Người Mông ở Sin Suối Hồ bảo nhau không chặt cây xanh, vì thế, bản làng xanh mát màu cây lá. Để làm đẹp cho bản làng và tăng thêm thu nhập, người dân Sin Suối Hồ đã thử nghiệm và thành công trong việc trồng hoa địa lan. Từ những khóm lan ban đầu được người dân mang từ rừng về để trang trí nhà cửa, làng bản, đến nay, cả bản Sin Suối Hồ có trên 35.000 chậu địa lan. Hiện địa lan đã trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho dân bản. Bên cạnh trồng địa lan, người Sin Suối Hồ còn trồng trên 20.000 gốc đào, 15.000 cây táo mèo. Đây cũng là những cây trồng mang lại “mục tiêu kép” cho dân bản, vừa tạo cảnh quan, vừa có giá trị kinh tế. Thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình trong bản hiện ước tính từ 200 - 500 triệu đồng/năm.

Không chỉ dừng lại ở việc tạo dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, người dân Sin Suối Hồ còn mạnh dạn và quyết tâm thay đổi cả những tập quán, thói quen truyền thống để xây dựng một đời sống mới tươi đẹp hơn. Những người có uy tín trong bản đã bàn bạc và gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng đời sống mới cho bản làng. Những quy ước mới được xây dựng và thực hiện, tạo nên một diện mạo mới cho bản Sin Suối Hồ. Người Mông ở bản Sin Suối Hồ không chỉ đoạn tuyệt với thuốc phiện mà họ còn nói không với tệ nạn xã hội, không hút thuốc lá, thuốc lào, không uống rượu, không trộm cắp, cờ bạc. Đi khắp nơi trong bản, đâu đâu cũng gặp những ánh mắt, những nụ cười thân thiện.

Những đặc sắc của văn hóa người Mông cũng được người dân Sin Suối Hồ gìn giữ. Nghề dệt vải lanh, in hoa văn sáp ong, đan lát … vẫn được người phụ nữ Mông truyền dạy cho nhau dưới nếp nhà gỗ, nhà trình tường. Người Mông ở Sin Suối Hồ vẫn tự hào mặc trên mình bộ trang phục truyền thống. Bên bếp lửa ấm, người già vẫn kể lại những truyền thuyết, cổ tích của người Mông. Vào những đêm trăng thanh hay vào dịp lễ hội, tiếng khèn, những điệu dân ca, dân vũ mang âm hưởng núi rừng vẫn được các cô gái, chàng trai Mông say mê biểu diễn. Trong lễ hội Gầu Tào - lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông - các trò chơi dân gian truyền thống như tù lu, đẩy gậy, ném pao, … vẫn được dân bản háo hức tham gia.

Sin Suối Hồ, Lai Châu. Nguồn ảnh: vtr.org.vn.

Không tự giới hạn mình trong những khuôn mẫu truyền thống, để phát triển du lịch cộng đồng, người dân trong bản còn cử người sang Sa Pa, về Hà Nội học nghề nấu ăn, buồng bàn, lái xe, hướng dẫn viên, học tiếng Anh … Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn làm các homestay để phục vụ du khách có nhu cầu lưu trú. Hơn thế nữa, mười hai hộ gia đình trong bản cùng chung nhau mở một hợp tác xã du lịch để phục vụ du khách. Các dịch vụ, sản phẩm du lịch của Sin Suối Hồ ngày càng trở nên phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách du lịch khác nhau.

Năm 2015, Sin Suối Hồ được công nhận là bản du lịch cộng đồng của Lai Châu. Tháng 7 năm 2020, Sin Suối Hồ được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của Lai Châu.

Thành công lớn nhất của bản Sin Suối Hồ chính là đã phát huy được sức mạnh nội sinh, trong đó yếu tố con người là khâu quyết định. Người dân bản đã chủ động vượt qua được những thách thức của truyền thống, của hoàn cảnh, dám nghĩ, dám làm. Tinh thần cố kết cộng đồng được khơi dậy đúng lúc, đúng chỗ tạo nên sức mạnh to lớn. Mô hình du lịch cộng đồng dựa trên sự khai thác những giá trị văn hóa truyền thống kết hợp với cảnh quan thiên nhiên của người Mông ở bản Sin Suối Hồ đã truyền cảm hứng cho nhiều bản làng, nhiều địa phương trong cả nước. Du khách đến với Sin Suối Hồ sẽ nhớ mãi về một bản làng vô cùng thân thiện, hiếu khách và giàu bản sắc.

Lâm Minh Khuê

 

Nguồn: http://thinhvuongvietnam.com/Content/sin-suoi-ho---diem-sang-du-lich-cong-dong-vung-cao-493523