NGẮM “ĐỖ QUYÊN KHOE SẮC” TRÊN ĐỈNH PU TA LENG       Lai Châu cần thay đổi để phát triển tương xứng tiềm năng du lịch      Lai Châu đã sẵn sàng cho Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất, tại tỉnh Lai Châu và Tuần Du lịch – Văn hóa Lai Châu năm 2023      

Tưng bừng trẩy hội Đền thờ Vua Lê Lợi

Cập nhật: 22/02/2013
(BLC) - Trong làn mưa xuân lất phất, hàng nghìn lượt du khách nườm nượp kéo về trẩy hội Đền thờ Vua Lê Lợi hôm nay (21/2).
Đã thành thông lệ, ngày 12 tháng giêng (âm lịch) hàng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã kết hợp với UBND phường Đoàn Kết (thị Lai Châu) tổ chức khai hội Đền thờ Vua Lê Lợi.

Nhân dân các dân tộc thị xã dâng lễ vật.

Chị Giàng Thị Di, bản Huổi Lùng, xã Nậm Loỏng (thị xã Lai Châu) địu theo con nhỏ, cùng chồng và bà con trong bản đội ô đến Đền từ rất sớm. Chị tâm sự: “Đã 3 năm nay, năm nào chúng tôi cũng đến xem lễ hội và tham gia các trò chơi. Với dân tộc Mông, ngày tết kéo dài đến hết tháng giêng nên tôi và gia đình rất thích đến các lễ hội, chợ phiên để gặp gỡ bạn bè các xã, bản khác”.

Thành kính tưởng nhớ vua Lê Lợi.

Trong phòng sắp lễ, bà Đỗ Thị Chuôm – 66 tuổi ở tổ 7, phường Tân Phong (thị xã Lai Châu) vừa sửa lại mâm hoa quả, vừa chia sẻ: “Đối với người cao tuổi như chúng tôi, Hội Đền là dịp để bày tỏ sự thành kính của mình với vị anh hùng dân tộc, cũng là nét đẹp văn hóa tâm linh trong sâu thẳm hồn mình. Tôi và bạn bè, người thân đều mong được thắp nén nhang, cầu 1 năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, con, cháu trong nhà gặp nhiều điều may mắn”.

Tiết mục múa “Hái hoa trên rừng” do đội văn nghệ phường Đoàn Kết thể hiện.

Sau khi tiếng trống khai hội cất lên, bà con nhân dân các dân tộc đã dâng hương, lễ vật để tưởng nhớ và tri ân công đức của vua Lê Lợi. Năm 1432, ông thân chinh cầm quân lên dẹp loạn Đèo Cát Hãn tại Lai Châu, dùng kiếm khắc tạc bài thơ trên bia đá bên bờ con sông Đà hùng vĩ. Những việc ông đã làm cho đất nước, cho tỉnh đã khiến ông trở thành một vị “thần” trong lòng mỗi người dân tỉnh ta.

Bà con xem chọi gà.

Trong mùi hương thoang thoảng của nhang trầm, không khí trang nghiêm khiến lòng mỗi người như lắng lại, cùng thành kính cúi lạy trước công đức của các vị thánh, thần. Nhiều người đã thành tâm ghi sổ công đức để góp phần xây dựng đền trong dịp xuân mới.

Quay xổ số trúng thưởng.

Sau phần Lễ, bà con lại được thưởng thức chương trình văn nghệ đặc sắc do các diễn viên “không chuyên” đến từ các đội văn nghệ quần chúng của xã, phường biểu diễn. Các tiết mục: nón Giáy lên nương, tính tẩu nhớ thương, hoa núi, múa khăn, múa quạt… mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương, nhận được nhiều tràng pháo tay cổ vũ từ phía khán giả.

Nhân dân các dân tộc về dự Hội Đền Vua lê Lợi.

Rộn ràng và thu hút được sự tham gia của nhiều người dân nhất là các trò chơi ở lễ hội. Nếu như chọi gà, kéo co, gánh bóng bay khiến mỗi người xem đều cảm thấy căng thẳng, hồi hộp xem đội nào thắng, thua thì trò chơi quay lồng xổ số, hái hoa dân chủ lại khiến mọi người reo cười mỗi khi nhận được giải thưởng “lộc đầu năm mới”. Bên cạnh các trò chơi, sân văn nghệ ở ngoài Đền, vẫn còn rất nhiều bà con xếp hàng để lần lượt được vào dâng lễ vật.

Lễ hội Đền Lê Lợi là hoạt động được tổ chức thường niên. Là dịp để nhân dân các xã, phường giao lưu, tạo mối đoàn kết các dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Cũng là nét đẹp văn hóa tâm linh cần được gìn giữ và phát huy, là điểm “hút” du khách trong dịp xuân mới đến với tỉnh ta.

 

Mây Trắng
Đánh giá bài viết
Đánh giá: 0/5 từ 0 người bình chọn.
Quét mã QR
Xem thêm